Bài viết của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng và bà Nguyễn Lan Phương, Phụ trách chương trình chính sách điều tiết công nghệ số từ Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS).
Bối cảnh chính sách điều tiết dịch vụ số trung gian tại Việt Nam
Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh các chính sách pháp luật có liên quan để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quốc gia này đã ban hành Luật Điện ảnh 2022, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, Luật Viễn thông 2023, Luật Giao dịch điện tử 2023. Ngoài ra, các
nhà làm luật cũng đang soạn thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo 2012. Những thay đổi này phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc phát triển một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các dịch vụ số trung gian.
Ở cấp độ nghị định, Việt Nam đã ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực quảng cáo, Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực thương mại điện tử và đang soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực quản lý thông tin trên Internet. Tuy nhiên vẫn còn những khoảng trống trong chính sách pháp lý, đặc biệt liên quan đến dịch vụ số trung gian.
Những tồn tại trong chính sách điều tiết dịch vụ số trung gian tại Việt Nam
Việt Nam đã thực hiện kết nối Internet đi quốc tế từ năm 1997, nhưng phải đến năm 2019, khung khổ pháp lý dành cho các dịch vụ số trên Internet mới được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với bối cảnh. Tuy nhiên, đến nay, sự sửa đổi, bổ sung này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng. Sự chậm trễ trong việc cập nhật các quy định đã tại ra một số vùng xám pháp lý làm cản trở sự phát triển của các dịch vụ trung gian trên Internet.
Các thách thức về pháp lý
1. Thiếu các quy định rõ ràng
Theo Luật Công nghệ thông tin 2006, công nghiệp công nghệ thông tin bao gồm công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung (Điều 47). Theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP, hoạt động công nghiệp nội dung bao gồm hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số và hoạt động cung cấp, thực hiện các dịch vụ nội dung thông tin số (Điều 10). Dịch vụ nội dung thông tin số được định nghĩa là “dịch vụ được cung cấp trên môi trường mạng hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, khai thác, phát hành, nâng cấp, bảo hành, bảo trì sản phẩm nội dung thông tin số và các hoạt động tương tự khác liên quan đến nội dung thông tin số”.
Quy định tại Luật Công nghệ thông tin 2006 và Nghị định 71/2007/NĐ-CP cho thấy nhà quản lý có ý định phân tách giữa hoạt động sản xuất nột dung và hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ việc khai thác, phát hành, lưu trữ nội dung đó trên Internet. Tuy nhiên quy định chưa làm rõ tính chất trung gian của các loại dịch vụ số, dễ gây nhầm lẫn với dịch vụ cung cấp nội dung.
Có thể đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định các dịch vụ có bản chất là trung gian như phân phối sản phẩm nội dung số (kho ứng dụng), dịch vụ tìm kiếm dữ liệu số (công cụ tìm kiếm),… được coi là cung cấp thông tin số. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số trung gian phải thực hiện các nghĩa vụ tương tự chủ thể cung cấp thông tin trong khi họ chỉ cung cấp nền tảng công nghệ kết nối người dùng. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP tiếp tục bổ sung các quy định mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số trung gian giám sát nội dung của người dùng dẫn đến khả năng phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm của người dùng.
2. Thiếu các quy định thống nhất
Theo thống kê ban đầu, có khoảng 11 văn bản khác nhau trực tiếp quy định về điều kiện kinh doanh của dịch vụ số trung gian và khoảng 26 văn bản khác nhau điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ số trung gian tại Việt Nam (xem Phụ lục). Luật Công nghệ thông tin 2006 là văn bản luật đầu tiên quy định về một số loại dịch vụ số có tính chất trung gian như truyền đưa thông tin số (Điều 16), lưu trữ tạm thời thông tin số (Điều 17), cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số (Điều 18), công cụ tìm kiếm thông tin số (Điều 19), tuy nhiên luật này không đưa ra khái niệm thống nhất về dịch vụ số trung gian.
Dịch vụ số trung gian được các cơ quan quản lý khác nhau hiểu khác nhau dẫn đến quy định khác nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, theo Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các loại hình dịch vụ như công cụ tìm kiếm, mạng xã hội,… được quy định là dịch vụ trung gian tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Điều 198b) và Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan (Điều 110). Trong khi đó, theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, các dịch vụ như công cụ tìm kiếm, mạng xã hội,…. được phân loại vào nhóm dịch vụ cung cấp thông tin trên mạng tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định này dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật Viễn thông 2009.
Có sự mâu thuẫn về nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số trung gian. Cụ thể, Luật Viễn thông 2023 quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây không được theo dõi, giám sát thông tin của người sử dụng dịch vụ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Điểm g, Khoản 2 Điều 29). Trong khi đó, theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP, loại hình doanh nghiệp này phải thực hiện theo dõi, giám sát thông tin của
người dùng trên hệ thống hạ tầng kĩ thuật của mình nhằm gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật (Điểm a Khoản 3 Điều 82). Về bản chất, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian giúp lưu trữ, truyền đưa dữ liệu do người dùng tạo ra, cho nên không được can thiệp vào nội dung của người dùng và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung của người dùng. Việc giám sát thông tin người dùng khiến doanh nghiệp rơi vào rủi ro pháp lý về chịu trách nhiệm liên đới với người dùng đăng tải nội dung vi phạm pháp luật đồng thời xâm phạm quyền riêng tư của người dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Khuyến nghị chính sách
Để thúc đẩy kinh tế số năng động và hiệu quả hơn, chúng tôi đưa ra những khuyến nghị sau để hoàn thiện chính sách điều tiết dịch vụ số trung gian tại Việt Nam.
1. Sửa đổi Luật Công nghệ thông tin 2006:
Sửa đổi Luật Công nghệ Thông tin 2006 là một bước quan trọng hướng tới việc hợp lý hóa các quy định đối với dịch vụ số trung gian, đảm bảo phân biệt vai trò, trách nhiệm của các chủ thể cung cấp dịch vụ này với các nhà xuất bản tin tức truyền thống hoặc các nhà sản xuất nội dung. Luật sửa đổi nên quy định rõ ràng rằng các nhà cung cấp dịch vụ số trung gian không đương nhiên chịu trách nhiệm pháp lý cho nội dung có khả năng vi phạm luật do người dùng tạo ra. Ngoài ra, điều quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ này không bị áp đặt nghĩa vụ chủ động giám sát hoặc kiểm soát nội dung của người dùng trên nền tảng của họ. Thay vào đó, trọng tâm là nên thúc đẩy trách nhiệm minh bạch, giải trình và sự hợp tác lớn hơn giữa các nhà cung cấp nền tảng số và cơ quan quản lý thay vì đặt ra các yêu cầu kĩ thuật không hợp lý .
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bất kỳ động thái nào nhằm sửa đổi luật này cũng phải tính đến bối cảnh chính trị và thể chế ở Việt Nam. Mặc dù việc cải cách Luật Công nghệ thông tin 2006 được nhiều nhà hoạch định chính sách coi là một bước tiến tích cực, nhưng điều này cũng đối mặt với những thách thức từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Luật Công nghệ thông tin 2006, với tư cách là đạo luật chung đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh dịch vụ số trung gian, đã cung cấp cơ sở pháp lý cho các văn bản pháp quy tiếp theo như Nghị định 72/2013/NĐ-CP, và vẫn được coi là văn bản trung tâm trong quản trị Internet của quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ số luôn nỗ lực bảo đảm rằng các cải cách pháp lý tiếp tục phục vụ các ưu tiên của quốc gia, bao gồm duy trì ổn định chính trị
và trật tự xã hội. Trong bối cảnh như hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bày tỏ quan ngại về sự cần thiết phải điều kiểm soát nội hiệu quả và chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các thông tin nhạy cảm liên quan đến chính trị có thể ảnh hưởng đến dư luận hoặc lợi ích quốc gia.
2. Áp dụng cách tiếp cận đồng điều chỉnh (Co-Regulation)
Áp dụng cách tiếp cận đồng điều chỉnh trong thiết kế quy định pháp luật là biện pháp cần thiết để quản lý hiệu quả các vấn đề trên không gian mạng liên quan đến dịch vụ số trung gian như tin giả, quảng cáo sai sự thật, kích động bạo lực và phát ngôn gây thù ghét. Cách tiếp cận này nhấn mạnh một nỗ lực hợp tác, trong đó các cơ quan chính phủ phát triển các quy định mang tính nguyên tắc (principle-based regulations), đặt ra các hướng dẫn rõ ràng để giải quyết những vấn đề này. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ số trung gian có vai trò, trách nhiệm thiết lập và thực thi các chính sách nội bộ, tiêu chuẩn cộng đồng, quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn kỹ thuật của riêng mình để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý.
Một ví dụ đáng chú ý về cách tiếp cận này được thể hiện trong Đạo luật An toàn trực tuyến 2021 của Úc. Đạo luật này thiết lập các kỳ vọng tối thiểu (baseline expectations) của Chính phủ Úc đối với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong việc chủ động bảo vệ sự an toàn của người dùng trên nền tảng bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phát triển và đăng ký các quy tắc và tiêu chuẩn ngành có khả năng thực thi được. Đạo luật này cũng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình bằng cách khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ báo cáo về nỗ lực tuân thủ của họ thông qua các báo cáo minh bạch. Mô hình này nhấn mạnh tầm quan trọng của một khuôn khổ pháp lý hài hòa, trong đó cả sự giám sát của chính phủ và sự tự điều chỉnh của doanh nghiệp cùng vận hành để giải quyết hiệu quả các thách thức trên môi trường trực tuyến.
Trong việc điều tiết thị trường liên quan đến công nghệ số, Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng – việc lựa chọn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các dịch vụ số trung gian số sẽ tác động đáng kể đến sự vận hành của nền kinh tế số quốc gia. Bằng cách giải quyết vùng xám hiện tại và thực hiện các khuyến nghị được đề xuất, Việt Nam có thể hoàn thiện hệ sinh thái số của mình, đảm bảo nó vừa năng động vừa bền vững. Khi bối cảnh tiếp tục thay đổi, đối thoại và hợp tác liên tục giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà cung cấp dịch vụ số trung gian và các bên liên quan sẽ là yếu tố quan trọng trong việc định hình một môi trường pháp lý hỗ trợ tăng trưởng – cân bằng giữa đổi mới sáng
tạo với quản trị rủi ro. Quyết tâm tạo ra những thay đổi tích cực sẽ không chỉ củng cố vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu mà còn mở đường cho một tương lai số bao trùm và công bằng hơn.
Về tác giả
Nguyễn Quang Đồng là Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (Institute for Policy Studies and Media Development) – một đơn vị tư vấn chính sách trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Các nghiên cứu và tư vấn gần đây của ông Đồng tập trung vào 03 khía cạnh liên quan đến công nghệ số gồm quản trị số, hạ tầng số và kinh tế số. Ông Đồng lấy bằng Thạc sĩ về Quản trị và Chính sách công tại Đại học Queensland, Úc.
Nguyễn Lan Phương phụ trách chương trình chính sách điều tiết công nghệ số tại Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đồng thời là Phó trưởng ban pháp chế tại Hội Truyền thông số Việt Nam (Vietnam Digital Communications Association). Các nghiên cứu của bà Phương tập trung vào cải cách chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy sự hiệu quả của nền kinh tế và đảm bảo các quyền của cá nhân trong bối cảnh công nghệ số tại Việt Nam. Bà Phương lấy bằng Cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội, Việt Nam.
Quan điểm và kiến nghị thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Viện Công nghệ vì phát triển cộng đồng (Tech for Good Institute).