
Bài viết do TS. Nguyễn Minh Thảo, Chuyên gia kinh tế, Nguyên trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và TS. Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia chính sách công, Trường Đại học quốc gia Hà Nội (VNU) thực hiện.
Công nghệ và chuyển đổi không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với khu vực và thế giới. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam xác định khoa học – công nghệ và chuyển đổi số là động lực then chốt. Do đó, việc nhận diện kết quả về phát triển kinh tế số, những thách thức còn tồn tại và tìm kiếm giải pháp chính sách về quản trị công nghệ nhằm tạo cơ sở vững chắc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao là cần thiết.
Đầu năm 2025, Quốc hội Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên năm 2025 và liên tục đạt 2 con số giai đoạn 2026-2030. Theo đó, Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh khoa học và công nghệ là “chìa khóa vàng” để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu.
Trước đó, tại Quyết định số 411/QĐ-TTg, Chính phủ đã xác định mục tiêu cơ bản đến năm 2025: tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%. Theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển 48000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương.
Những năm qua, kinh tế số đã liên tục đóng góp quan trọng vào GDP của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới với mức tăng khoảng 20%. Về an toàn thông tin, Việt Nam đứng thứ 17 trên 194 quốc gia (tăng 8 bậc), thuộc nhóm I. Chính phủ điện tử tăng 15 bậc so với 2022, đạt vị trí 71/193, đưa Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm “Rất cao”. Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số ngày càng lớn mạnh, với hơn 74.000 doanh nghiệp (vượt mục tiêu Chính phủ đề ra), trong đó gần 1.900 doanh nghiệp đã tiếp cận thị trường quốc tế.
Đáng chú ý là việc hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh nhằm thảo gỡ các điểm nghẽn cũng như thu hẹp các khoảng trống pháp lý, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế số. Các nỗ lực đang được triển khai, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành, mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số,… hay hoàn thiện thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số. Một số văn bản pháp luật gần đây như Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Dữ liệu, Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đã củng cố nền tảng về thể chế để mở ra không gian phát triển các sản phẩm, dịch vụ về công nghệ và dữ liệu.
Thách thức và rào cản trong chuyển đổi số
Mặc dù Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể về phát triển công nghệ và chuyển đổi số, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế trong quản lý, quản trị công nghệ.
- Tư duy quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển: Phản ứng chính sách chưa kịp thời thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Kết quả có thể dẫn tới bỏ lỡ thời điểm và cơ hội khai thác hiệu quả lợi thế của công nghệ, của các mô hình kinh doanh dựa vào công nghệ bởi sự thay đổi về công nghệ diễn ra rất nhanh chóng.
- Khung khổ pháp lý về quản trị công nghệ còn bất cập và thiếu đồng bộ: Điều này tạo gánh nặng chi phí tuân thủ lớn đối với doanh nghiệp. Nhiều quy định, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn; mặt khác, thiếu hụt khung khổ pháp lý đối với các mô hình, dự án, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.
- Đầu tư cho hạ tầng công nghệ số còn hạn chế: Theo số liệu của Bộ Tài chính (MoF), 70% ngân sách dùng cho chi thường xuyên (để trả lương cho bộ máy), trong khi các nước phát triển có tỉ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm 48-50% chi ngân sách. Như vậy, ở Việt Nam chỉ có khoảng 30% ngân sách chi cho đầu tư phát triển, trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số. Thực tế này là do tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hoạt động chưa hiệu quả.
- Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số còn thấp: Trong cả khu vực nhà nước cũng như tại doanh nghiệp, vẫn còn thiếu sự chuẩn bị và năng lực để áp dụng và triển khai hiệu quả các chương trình về chuyển đổi số. Điều này dẫn tới tiến độ chuyển đổi số chưa đạt được như mục tiêu đề ra.
- Năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế: Doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; năng lực cạnh tranh về công nghệ của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số còn hạn chế.
- Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi: An ninh mạng và an toàn thông tin đang đặt ra những thách thức đáng kể. Những mối đe dọa ngày càng tinh vi đòi hỏi Chính phủ phải dành sự quan tâm cần thiết và khẩn trương; đồng thời cần thiết lập khung khổ pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ doanh nghiệp và cá nhân trong hệ sinh thái số.
Cơ hội phát triển công nghệ, chuyển đổi số và một số kiến nghị
Trước yêu cầu về tạo đột phá trong phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW với các mục tiêu tham vọng về kinh tế số. Nghị quyết đã xác định các mục tiêu then chốt, đó là:
- Tăng trưởng kinh tế số: Quy mô kinh tế số tối thiểu đạt 30% GDP năm 2030 và ít nhất là 50% đến năm 2045.
- Thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo: Nghị quyết đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 30 nền kinh tế dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ và yêu cầu thích ứng với bối cảnh số toàn cầu.
- Trung tâm công nghiệp công nghệ số: Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; định vị ở tuyến đầu trong hợp tác quốc tế về công nghệ.
Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này, Nghị quyết số 57 tiếp cận theo nguyên tắc quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm; trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể. Ngoài ra, Nghị quyết khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số trong phát triển kinh tế – xã hội.
Nghị quyết số 57 được kỳ vọng tạo sức bật mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số của Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 03/NQ-CP; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm tạo thêm nỗ lực điều phối để hiện thực hóa các mục tiêu về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số của quốc gia.
Ở Việt Nam, các nỗ lực quan trọng đang được thực hiện nhằm tạo lập môi trường pháp lý vững chắc cho đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ. Tại kỳ họp tháng 5/2025, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và xem xét thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số. Điều này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng trống pháp lý, hoàn thiện khung khổ thể chế cho phát triển kinh tế số. Đồng thời, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thảo luận và thông qua một số sửa đổi liên quan đến thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; thu hút cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT; tạo điều kiện cho TMĐT phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số.
Việt Nam đang tiến hành cuộc cải tổ mạnh mẽ bộ máy hành chính nhà nước. Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước. So với trước đây, cơ cấu tổ chức của Chính phủ giảm 5 bộ, ngành. Cải cách này không chỉ hướng tới tinh giản biên chế mà còn gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để nâng cao hiệu quả quản trị. Do đó, cải cách bộ máy hành chính nhà nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng thể chế, chính sách; đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính do quản lý nhiều tầng nấc.
Chuyển đổi sang nền kinh tế số là bước đi chủ động trong việc định hình tương lai của Việt Nam. Nỗ lực hoàn thiện thể chế là để tháo gỡ các điểm nghẽn, mở đường cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo động lực cho doanh nghiệp công nghệ phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cần tạo lập nền tảng pháp lý theo hướng vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với vấn đề thực tiễn mới đặt ra, trong đó có các sản phẩm, dịch vụ về công nghệ.
Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Việt Nam cần kịp thời điều chỉnh chính sách linh hoạt để duy trì năng lực cạnh tranh. Điều này không chỉ đòi hỏi sự linh hoạt trong chính sách quản lý mà còn cần các chính sách vượt trội để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ ưu tiên, công nghệ chiến lược. Thông qua việc tạo lập môi trường chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và tiến bộ công nghệ, Việt Nam sẽ xây dựng được nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số, qua đó nâng cao vị thế của mình trên toàn cầu.
Về tác giả
- Nguyễn Minh Thảo nguyên là Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam. Bà là chuyên gia về môi trường kinh doanh và chuyển đổi số. Bà cũng là thành viên chủ chốt tham gia soạn thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến 2030 của Việt Nam.
- Nguyễn Quốc Việt nguyên là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Việt Nam. Ông là chuyên gia về chính sách công.